Tôi chọn ngành học chưa phù hợp nhưng sự nghiệp vẫn tốt, vì sao? (uncut)

Đôi lời về tác giả bài viết: Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải, Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng tại TP. HCM, Trường Đại Học Duy Tân: Có 70 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín, tham gia phản biện cho gần 80 tạp chí quốc tế uy tín, là một trong 10 ứng viên được trao Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2019. Tiến sĩ Hải hiện là thành viên ban biên tập của 19 tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopus. Năm 2020, Tiến sĩ Hải là một trong 22 nhà khoa học Việt Nam có tên trong Danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí PLoS Biology (Mỹ) công bố, đứng hạng 25.844.

Tôi chọn ngành học chưa phù hợp nhưng sự nghiệp vẫn tốt, vì sao?        

Nếu chọn đúng ngành học mình đam mê và quá trình học vẫn có sự yêu thích, ra trường làm đúng ngành nghề mình đã học thì quá tốt, nhưng liệu có phải ai cũng may mắn làm được điều đó?

Từ một chia sẻ của thầy dạy toán

Năm lớp 11, tôi chuyển từ một trường huyện ở Sóc Trăng lên trường chuyên của tỉnh là Cần Thơ (giờ là tỉnh Hậu Giang). Dù lớp 10 tôi đã là học sinh khá môn toán và môn văn. Thi học kỳ 1, điểm môn văn lớp 10 tôi là tuyệt đối (10 điểm). Nhưng lên môi trường mới, tôi là học sinh yếu môn toán dù tôi vẫn đi học thêm cùng các bạn trong lớp. Kiểm tra cứ 1 hoặc 2 điểm. Tình hình không cải thiện cho đến giữa học kỳ 1. Còn môn văn thì cô giáo phê một câu “không biết cách phân tích thơ”. Tôi không hiểu vì sao và bị sốc nặng.

Và rồi, những lời thầy dạy toán chia sẻ trên lớp đã thay đổi cuộc đời tôi. Thầy mới đi chấm thi học sinh giỏi ở tỉnh về, có một bạn rất giỏi. Thầy tò mò, hỏi thăm “bí quyết” của bạn này là đọc sách gì, học thêm với ai, cách học… thì bạn chỉ bảo là bạn không học thêm, mà tự học. Học theo những gì thầy cô chỉ dạy trên lớp, làm bài tập các thầy cô cho, nhưng làm tới đâu bạn hiểu tới đó.

Tôi như người vừa tỉnh cơn mê và quyết tâm làm theo. Sự nỗ lực của tôi được đền đáp. Tôi cải thiện số điểm từng ngày. Kết thúc cuối năm 11 tôi là học sinh khá với điểm số môn toán đứng vào tốp của lớp. Từ đó, tôi say mê môn toán và mơ ước được thành giảng viên dạy toán. Nhưng điểm thi ĐH của tôi không đủ để vào ngành sư phạm toán-tin học nên tôi phải theo học nguyện vọng 2 là ngành quản lý đất đai (ngành này do ba tôi chọn). Những tưởng chọn một ngành học mình không yêu thích sẽ là một thử thách lớn trong tương lai, nhưng không, mọi thứ đều do bản thân mình có thay đổi nhận thức và nỗ lực hay không, và còn phụ thuộc nhiều vào cuộc sống. 

Cuộc sống không hề cứng nhắc 

Ngành quản lý đất đai có hai chuyên ngành là về quản lý (thiên về đo đạc, quy hoạch, thủ tục hành chính…..) và về khoa học (nông hóa thổ nhưỡng….). Nếu đa phần các bạn trong lớp chọn theo ngành về quản lý thì tôi lại  chọn hướng khoa học vì trong quá trình học tôi phát hiện mình còn mê khám phá, nghiên cứu. Trong suốt 4 năm, từ việc làm tiểu luận, luận văn hay đi thực tập tôi đều chọn nông hóa thổ nhưỡng. Sau khi tốt nghiệp, tôi tự xin học bổng tỉnh học Thạc sĩ ngành Khoa học Đất của Trường ĐH Cần Thơ. Trong quá trình này, tôi xin dạy thỉnh giảng tại một trường trung cấp (môn thống kê doanh nghiệp). Thế là tôi về tự đọc sách, học hỏi thêm các bạn bên kinh tế, rồi soạn bài đi giảng. Tôi tiếp tục nhận ra rằng, dạy học chính là “đam mê”, và là nghề của mình, nó vừa xa mà lại vừa gần với ước mơ trở thành giáo viên dạy toán phổ thông của tôi, xa ở chỗ tôi đã đi đường vòng và con đường này vẫn đến nghề giáo, gần ở chỗ tôi được đứng trên bục giảng dù không phải là môn toán phổ thông. Có thể nói sau tất cả, dù ngay từ đầu không đạt được ngành học mình yêu thích, nhưng với sự nổ lực bằng cách theo đuổi các bậc học cao hơn, tôi vẫn đến được với đam mê của mình.

Sau đó, tôi tiếp tục xin học bổng du học và hoàn thành tiến sĩ tại Đài Loan. Hiện tại, tôi theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học dưới sự quan tâm và tài trợ của trường ĐH Duy Tân và tham gia giảng dạy thông qua khóa học “Hướng dẫn viết và Công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ tổ chức để hỗ trợ sinh viên, học viên, nhà nghiên cứu trẻ.

Cần lời khuyên, khích lệ, chia sẻ của người đi trước

Tất cả con đường tôi đi qua, tôi đều nhận được sự tư vấn, động viên của những người đi trước. Thầy tôi khuyên “học ở đâu cũng được và không quan trọng, miễn là em tự học và quyết tâm em học được gì?”.

Khi qua Đài Loan học, tôi may mắn gặp được một chị tiến sĩ người Thái Lan sang làm sau tiến sỹ với Giáo sư. Tôi có hỏi chị về “ý tưởng mới” và “hướng nghiên cứu”. Chị khuyên tôi hãy cứ làm thí nghiệm chăm chỉ. Nếu sai, ít nhất bạn cũng có số liệu và biết lý do vì sao, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Kinh nghiệm này không dễ có được. Chị nói đúng, mỗi lần sai tôi lại tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức.

Thật sự các bạn trẻ rất cần những lời khuyên, khích lệ, chia sẻ của người đi trước là thầy cô ở trường phổ thông, trường ĐH. Hiện có rất nhiều chương trình tư vấn của một số báo như Thanh Niên, rất bổ ích để các em nắm bắt thông tin. Bản thân tôi nếu không có ai chia sẻ và đưa ra lời khuyên đúng đắn, thì chắc tôi khó có thành công như ngày hôm nay.

Lúc đầu người chọn nghề, sau này nghề chọn người

Hiện tại, các em học sinh có quá nhiều cách để tiếp cận thông tin về ngành mà mình sẽ học. Nhưng các em chưa đủ chín chắn để lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, sở thích, và đam mê của mình. Các em sẽ dễ bị “lay động” và tác động bởi bạn bè, gia đình, và thầy cô… dẫn đến thay đổi ngành mình đã chọn. Do đó, các em có thể kham khảo thêm thông tin trên Internet hoặc một số diễn đàn chia sẽ về ngành nghề mình dự định học. Và cần đặt ra một số câu hỏi: có phù hợp với tính cách/khả năng/sở thích của mình? Bất kỳ ngành nghề nào được đạo tạo cũng đều mang lại lợi ít cho bản thân người học và xã hội. Nên chăng, các bậc phụ huynh nên giảm bớt định kiến về các ngành học để các em có thể lựa chọn theo sở thích và năng lực của mình.

Tuy nhiên, nếu không thể lựa chọn được đúng ngành mình mong muốn thì thế nào? Và có phải nếu học được ngành mình mong muốn thì chắc chắn sẽ thành công? Theo tôi, việc theo đuổi một ngành học chỉ là bước khởi đầu cho sự nghiệp. Rất nhiều bạn khi bước vào ĐH mới cảm thấy mình không phù hợp với ngành mình đã chọn dù lúc đầu nó chính là ngành các em thấy thích, thấy đam mê. Rồi sau khi tốt nghiệp và đi làm, các em lại phát hiện mình phù hợp với ngành khác, hoặc chọn ngành nghề khác để làm việc. Tất cả đều là chuyện rất bình thường. Ông bà ta thường có câu “nghề chọn người chứ người không chọn được nghề”. Ở bậc ĐH, ngoài kiến thức chuyên môn, các em còn được trang bị 3 kỹ năng quan trọng: kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng sáng tạo, và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ai rèn luyện tốt 3 kỹ năng này thì dù công việc đó đúng với ngành mình học hay không, đúng với ước mơ mình theo đuổi hay không, thì vẫn đều có thành tựu nhất định.

            TRẦN NGUYỄN HẢI

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyên đề " kỹ năng phân tích và đánh giá số liệu trong nghiên cứu khoa học"

Published papers (Review Article)

Đại học Duy Tân - 30 năm kiến tạo và phát triển